Ads 468x60px

Pages

Mẹo Hay Trị Mụn

Subscribe:

BÀI VIẾT MỚI

12 CHÒM SAO

THỜI TRANG

CHIA SẺ

KHÁM PHÁ

SỨC KHỎE

GÓC TRÁI TIM

Mẹo Làm Đẹp

Mẹo Nấu Nướng

BÀI MỚI NHẤT

XÃ HỘI

TIN ẢNH

Dịch Văn Bản

Theo dõi

NHỊP SỐNG TRẺ

TIN SHOWBIZ

LÀM ĐẸP

Blogroll

Follow us on Facebook

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Maria và Matta

MARIA VÀ MATTA




Cộng đoàn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Thánh Matta, là một vị thánh khá nổi bật trong hành trình dương thế của Chúa Giêsu. Đọc qua trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có 3 nhân vật chính là Chúa Giêsu, Matta và Maria. Và qua cuộc đối thoại của 3 nhân vật này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua rằng Maria và Matta như là 2 nhân vật đối lập nhau. Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa với 2 chị em, Matta thì lo toan chạy đầu này đầu kia, lo chuyện này chuyện kia, con Maria thì chỉ ngồi bên chân Chúa mà thôi. Lẽ thường tình thì chúng ta sẽ bảo rằng Maria lười, chỉ để cho Matta làm còn mình thì ngôi chơi với khách quý. Thế nhưng trong câu truyện Tin Mừng, Chúa Giêsu lại có vẻ như trách mắng Matta: “Matta ! Matta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
Có vẻ như Chúa cũng đồng tình với cách thể hiện của Maria, mà trách mắng Matta. Đó là cách nhìn của ta ở trong chiều kích đời sống xã hội.
Và khi ta nhìn ở chiều kích đời sống đạo thì cũng cảm thấy 2 con người này vẫn ở hai khía cạnh khác nhau. Maria tượng trưng cho con người cầu nguyện. Còn Matta tượng trưng cho mẫu người hoạt động thiếu đời sống nội tâm.
Nhưng nếu chúng ta nhớ lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Matta trong câu chuyện La-da-rô được sống lại, thì chúng ta sẽ thấy thánh nữ Matta phải là một con người cầu nguyện thì mới có thể nhận ra được nguồn gốc thật sự của Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Còn nói về tình yêu thì thánh nữ Matta chắc chắn cũng yêu mến Chúa Giêsu không kém Maria, chỉ có điều cách thể hiện tình yêu của hai người có khác. Maria có một tình yêu dịu dàng, ấm áp khi ngồi bên chân Chúa lắng nghe Ngài nói, khi lấy dầu thơm xức chân Chúa. Còn Matta thể hiện một tình yêu nồng nhiệt khi cố gắng tạo cho Chúa Giêsu được vui vẻ, thư giản qua sự tươm tất của ngôi nhà, qua việc thưởng thức các món ăn ngon...
Ở đây, trong cộng đoàn của chúng ta, nếu ai đã từng yêu thì có lẽ sẽ hiểu. Khi yêu một ai đó thật sự thì ta chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho người đó. Tuy nhiên ở cách hành động thì lại khác nhau. Có những người thích một người yêu mang tích cách mạnh mẽ, có người thích người yêu của mình phải dịu dàng. Có người thể hiện tình yêu một cách mạnh mẽ, cá tính, có người thể hiện tình yêu một cách êm đềm, dịu dàng…
Thưa anh chị em, nói ra những điều này không phải là để biện hộ cho Matta hay nâng cao Maria. Nhưng chỉ muốn minh chứng rằng: cho dù ở cách thể hiện và hành động khác nhau, nhưng quan trọng là mục đích của cách thể hiện đó, mục đích của hành động đó có dẫn ta đến việc nhận biết Thiên Chúa hay không và có làm vinh danh Chúa hay không?
Và như thế, trong đời sống của chúng ta, mỗi người là một nhân vị, cá thể khác nhau, lối sống khác nhau. Nhưng mỗi người đều có một vị thế và giá trị khác nhau để dệt nên một vườn hoà đẹp. Mỗi người đều là những tế bào góp phần làm vinh danh Thiên Chúa.
Ước mong rằng mỗi người chúng ta luôn sống vui tươi trong phận vụ của mình, trong lời mời gọi mà Chúa đặt để cho mỗi người khi bắt đầu cuộc hành trình dương thế.


Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Khám phá ra Nước Trời là niềm vui

Khám phá ra Nước Trời là niềm vui


Thưa anh chị em thân mến,
Những ngày vừa qua chúng ta liên tục được nghe các dụ ngôn nói về Nước trời, chẳng hạn như dụ ngôn người đi gieo giống. Còn hôm nay chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng với 3 dụ ngôn nói về Nước Trời. Dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc quý là một trong những dụ ngôn Đức Giêsu dùng để diễn tả về Nước Trời cho dân chúng hiểu, còn dụ ngôn về chiếc lưới là kết quả của những con người biết nhận ra giá trị của Nước Trời nên sẽ được chọn vào ngày sau hết.
Qua những dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ kho tàng trong thửa ruộng chính là nước trời, còn Đức Giêsu chính là viên ngọc quý.
Trong Tin Mừng cho chúng ta thấy được hình ảnh một người tìm ra kho tàng được chôn giấu trong thửa ruộng, rồi anh ta VUI MỪNG quay về nhà bán hết tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng. Tin Mừng cũng đưa ra một hình ảnh khác, là có một người lái buôn tìm ra viên ngọc quý và anh ta cũng VUI MỪNG quay về nhà bán mọi của cải mà anh có để mua cho được viên ngọc quý đó.
Qua 2 hình ảnh này chúng ta thấy 2 đặc điểm khá thú vị nhưng rất giống nhau trong hành động của 2 người lái buôn kia. Cả 2 cùng VUI MỪNG vì khám phá của mình là kho tàng và viên ngọc quý, và sau đó đã TỰ NGUYỆN quay về nhà bán hết tất cả những gì mình có để mua cho được cái khám phá của mình là kho tàng và viên ngọc quý.
Điều này cho thấy người lái buôn này nhận ra được giá trị của kho tàng trong thửa ruộng, nhận ra được giá trị của viên ngọc quý. Điều này hoàn toàn logic thôi, vì nếu người lái buôn này không nhận ra giá trị đích thực và tuyệt vời của viên ngọc hay kho tàng kia thì anh không bao giờ vui mừng, hân hoan mà bán đi hết mọi thứ để mua cho được cái thửa ruộng có kho tàng hay mua cho được viên ngọc quý kia. Bởi vì, anh ta đã thấy được một cái mối lợi ở đằng trước to lớn gấp trăm ngàn lần so với những gì anh ta đang có. Chính vì thế nên anh ta sẵn sàng bán đi tất cả để chiếm hữu cho được cái mối lợi kia, và thậm chí nếu như đã bán hết tất cả mọi thứ mà vẫn chưa đủ tiền mua, tôi nghĩ anh ta cũng chạy đi mượn người này người kia chút ít để đủ tiền mua cho được.
Điều đó dễ hiểu thôi, ví dụ như một ngày nào đó ta đi ra ngoài đường và bắt gặp một bảng thông báo rằng bán xe ôtô Audi, giảm 98%. Chúng ta sẽ nghĩ sao về điều này? Tôi dám chắc là tất cả mọi người đều chạy về nhà bán ngay chiếc xe honđa cùi bắp ở nhà đi để tậu chiếc 4 chỗ Audi kia ngay. Bởi vì mọi người đều thấy được cái mối lợi kia nó lớn gấp trăm lần cái xe honđa cùi bắp ở nhà. Dại gì mà không đổi! Điều này thật quá dễ dàng đối với chúng ta.
Và như thế, Tin Mừng đưa ra hình ảnh người lái buôn kia cũng dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, đó là những hình ảnh thực tế, những hình ảnh hữu hình có thể cảm nhận được. Nhưng cái khó ở chỗ, Nước Trời được ví như kho tàng, là giá trị tuyệt đối nhưng mà ta chỉ nhận thức được bằng đức tin thôi, mà đã gọi là nhận thức được bằng đức tin thôi thì nó chỉ mờ mờ, còn những cái thực tại hữu hình khác của thế gian thì nó lại đưa ra trước mắt, nó cứ hiện lên lù lù trước mắt ta.
Giá mà Nước Trời cũng dễ nhận biết như những thực tại trần gian thì có lẽ ai cũng sở hữu được Nước Trời hết, vì tất cả chúng ta ngồi nơi đây đều có đủ tài sản mà không phải thế chấp hay đi mượn để mua được Nước Trời. Tài sản của chúng ta chính là ngay lúc chúng ta sinh ra chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, rồi sau đó là Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Thánh Thể… đó là những của cải tuyệt vời để chúng ta có thể vào Nước Trời. Thế nhưng, Nước Trời lại không thể nhìn bằng con mắt trần gian mà chỉ có thể nhìn bằng con mắt đức tin. Thế nên, nó lại trở nên khó khăn cho chúng ta. Trong Tin Mừng, người lái buôn vui mừng, hân hoan vì nhận ra kho tàng là Nước Trời, còn chúng ta, chúng ta có thể nhận ra kho tàng là Nước Trời hay không? chỉ khi nào chúng ta nhận ra kho tàng là Nước Trời, nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước Trời thì chúng ta mới có thể vui mừng hân hoan đánh đổi tất cả để có thể sở hữu được điều mong ước của chúng ta là Nước Trời.
Như vậy, để có thể vui mừng hân hoan bán đi tất cả vì Nước Trời thì trước tiên chúng ta phải làm sao nhận ra được giá trị tuyệt đối của Nước Trời. Chúng ta phải làm sao?
Thưa, để có thể nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước Trời thì phải thông qua việc cầu nguyện và khám phá. Nước Trời không phải là trái Sung rụng từ trên trời xuống miệng của chúng ta. Chúng ta muốn thì chúng ta phải đứng lên, vươn tay ra mà hái. Để nhận ra giá trị của Nước Trời mỗi người chúng ta phải đứng lên và bước tới để ra công khám phá thì mới có thể nhận ra những dấu hiệu của Nước Trời. Tuy nhiên, khi đứng lên, vươn tay ra khám phá kho tàng là Nước Trời thì không phải ai cũng có khả năng nhận biết được Nước Trời. Để có thể nhận biết được Nước trời thì cũng cần phải có kiến thức. Chẳng hạn, để có thể thưởng thức một bài nhạc giao hưởng, không phải ai cũng có khả năng và sự hiểu biết để thưởng thức. Chúng ta phải có kiến thức về âm nhạc, về thể loại nhạc thì mới có thể thưởng thức và cảm nhận được giá trị của nó, nếu không thì chỉ là như vịt nghe sấm. Nước Trời cũng thế, cũng đòi hỏi phải có kiến thức. Kiến thức ở đây chính là việc học hỏi giáo lý, kinh thánh và tham dự Thánh Lễ để trau dồi đức tin. Đó chính là những kiến thức để có thể nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước trời.
Như vậy, để có thể được chọn lựa vào ngày sau hết thì trước tiên ta phải trau dồi kiến thức để có thể nhận ra Nước Trời, rồi từ đó ta mới có thể vui mừng hân hoan bán đi tất cả để đổi lấy kho tàng được chôn giấu chính là Nước Trời.

Nước Trời và Thế Gian

Đối Diện Với Thực Tế Đời Người Trước Sứ Điệp Tin Mừng Của Chúa Giêsu



Trong Tin Mừng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tất cả hãy vì Nước Trời là gia nghiệp, còn thế gian mời gọi điều gì? Nước Trời và thế gian là 2 yếu tố gắn chặt trong cuộc đời của người Kitô hữu. Đứng trước 2 yếu tố này, là phận con người chúng ta phải làm sao?
Người ta thường biện hộ rằng, không có tiền, có gạo thì cạp đất mà ăn. Rõ ràng khi sinh ra và lớn lên con người đã có một nhu cầu. Nhu cầu đó chính là: cơm, áo, gạo tiền, và những phương tiện phục vụ cho nhu cầu đời sống. Vì tất cả những điều đó mà con người có thể dám làm mọi sự để có được những thứ ấy. Đây có thể được coi là tất yếu của cuộc sống. Là người chúng ta cũng rất cần những thứ ấy. Chúng ta cũng rất cần tìm cho mình những phương tiện thiết thực ấy. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mang thân phận là con người mà còn mang trên mình danh xưng Kitô Hữu, thế nên chúng ta còn có một giá trị cao hơn những danh lợi thú ấy chính là Nước Trời. Danh lợi thú rồi sẽ qua đi, nhưng Nước Trời thì tồn tại mãi mãi.
Hôm nay Chúa Giê-su ví Nước Trời như một kho tàng, như viên ngọc qúi, đến nỗi để đạt được thì mọi hy sinh, mọi của cải kể cả mạng sống cũng phải đổi lấy cho bằng được viên ngọc Nước Trời.
Viên ngọc quí là Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn truyền đến cho nhân loại đó là đích đến của mỗi người chúng ta, là cùng đích của chúng ta. Thế nhưng, liệu chúng ta có dám bán hết gia tài đi để mua viên ngọc quí đó hay không? Chúng ta có dám bán nhà, bán đất, bán tất cả mọi tài sản đi để sở hữu miếng ruộng có chôn giữ kho báu đó hay không?
Có một thực tại mà chúng ta nên biết và phải đối diện với nhau, đó là: Nước Trời thì thiêng liêng nhưng vô hình, còn thế gian thì thực tế nhưng ở ngay trước mặt. Một sự thiêng liêng mà vô hình, thế thì liệu rằng chúng ta có cảm nhận, có sờ mó được hay không. Còn thế gian là những điều thực tế mà ta có thể cảm nhận, có thể sờ mó được và đang ở ngay trước mắt. Tôi xin hỏi thật, có mấy ai trong ngôi thánh đường này có thể cảm nhận được Nước Trời một cách rõ rệt nhất mà khiến ta ngay lập tức đi bán hết của cải vật chất để về mua viên ngọc quí đó hay không? Quý cộng đoàn cứ thử tự trả lời cho chính mình xem. Còn thế gian thì sao? Thế gian là gì? Thế gian chính là những của cải - vật chất, con người - xác thịt, danh vọng - quyền lực, tình - tiền….. tất cả nằm ngay trước mắt chúng ta. Tất cả những thứ này chúng ta có cảm nhận được không, có thấy, có đụng chạm được không? Tôi dám chắc là tất cả mọi người ở đây đều có thể trả lời ngay lập tức là CÓ.
Chúng ta thấy có rất rất nhiều cái thuộc thế gian chi phối chúng ta. Điều đầu tiên chi phối chúng ta nhiều nhất chính là tiền của. Thế thì tiền là gì? Ngày hôm nay trên mạng internet có rất nhiều câu định nghĩa về tiền. Tôi lang thang trên internet có đọc được một đoạn rằng: Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của lò xo, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lận che thân, là cán cân công lý, là đồng chí thân thương, là đồng hương thân cận, là thời vận thanh xuân, là vui mừng phấn khởi....”. Và thậm chí người ta còn cho thêm một câu ở cuối nữa là: “….. vì tiền mà tôi mất người yêu”. Điều này cho thấy gì?
Ai ai trên thế giới này cũng vật lộn để kiếm tiền. Từ tỷ phú Bill Gates cho tới anh ăn mày nơi góc phố. Số tiền kiếm được thì khác nhau, một bên kiếm hàng tỉ đô la, một bên kiếm từng năm trăm Việt Nam đồng lẻ. Thế nhưng vẫn là TIỀN.
Bạn học giỏi, bạn học dốt thì rồi cũng sẽ đi kiếm tiền. Bạn có tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi cũng phải đi kiếm tiền. Mọi chuyện cứ diễn ra như thế! Mọi chuyện lại sẽ tiếp tục diễn ra như thế. Chúng ta làm gì, chúng ta là ai, chúng ta suy nghĩ gì, chúng ta toan tính gì, chúng ta ở địa vị gì thì cũng lòng vòng quanh chữ TIỀN. Thậm chí chúng ta có ẩn cư trên núi không bóng người thì tiền cũng leo lên đeo bám chúng ta.
Thưa anh chị em, nói ra những điều này không phải là đề cao đồng tiền, nhưng chỉ muốn nói ra một thực tế của cuộc sống con người đều tồn tại những thứ quý nhất của cuộc đời họ. Đối với một đời người thì đó chính là sức khỏe, thời gian, tình yêu, kiến thức,địa vị và danh vọng. Trong đó chữ Tiền chi phối khá nhiều trong cuộc đời họ. Thế nên có câu nói rằng: “tiền không thể mua được những thứ quý nhất của cuộc đời, nhưng không có đồng tiền thì cũng khó để có thể có được những thứ của cuộc đời” ; hay “Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì không có tất cả!”. Nói lên điều này cho thấy sức mạnh của đồng tiền trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, chi phối cả ước muốn của chúng ta.
Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại bảo chúng ta hãy bán hết tất cả của cải, tiền bạc đi để đổi lấy Viên ngọc quí là Nước Trời. Như đã nói ở trên, viên ngọc quí mà Chúa Giêsu nói đó chúng ta không thấy được bằng mắt thường, chúng ta không cảm nhận được. Trong khi đó thế gian là tiền tài – danh vọng  lại hiện hình ngay trước mắt chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám đánh đổi hết tất cả vì viên ngọc quí là Nước trời đó hay không?
Có một tâm sự được kể một cô gái kể rằng: “Đồng tiền quả thật quan trọng vô cùng. Ngày còn mới lớn, Tôi cứ tưởng mình là một nàng công chúa, một ngày nào đó có một hoàng tử bạch mã đánh thức Tôi dậy, rồi thì nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời.... Bây giờ thì Tôi đã thay đổi khá nhiều. Tuy rằng tiền không phải là tất cả, nhưng Tôi sẽ không thể là một nguời đàn bà hạnh phúc và mãn nguyện nếu Tôi không thể cho những đứa con của mình một điều kiện tốt để trưởng thành và phát huy; Tôi không thể vui vẻ mỗi khi đi chợ Tôi phải đắn đo, kỳ kèo mặc cả từng đồng sau khi suy nghĩ nát óc.Tối hôm nay trong bữa cơm gia đình chồng con mình sẽ ăn cá bống hay cá ót. Tôi cũng không thể không tủi thân, chạnh lòng khi nhìn những người phụ nữ khác mặt hoa da phấn, ăn diện như bà hoàng khi ra đường, còn Tôi thì đầu tắt mặt tối, quần xắn móng lợn, đi làm về là tranh thủ băm rau nấu cám.
Thưa anh chị em, đó là thực tế của đời sống, là nghịch cảnh của đời sống mà chúng ta phải đối diện và phải chấp nhận.Thế gian thì cần TIỀN, Thiên đàng lại là Nước Trời mà được Chúa Giêsu vì như viên ngọc quí. Chúng ta sẽ chọn lựa thế nào đây? Thiên Chúa không bắt chúng ta phải đói nghèo, phải khổ cực để có được Nước trời, nhưng Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải khước từ những thứ được coi là  thấp hèn. Không quá coi trọng vật chất. Khước từ tính kiêu ngạo, thích ăn trên ngồi trước. Phải sống chan hòa tình nghĩa với nhau.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Thứ 5 - Nước Trời dành cho những ai có lòng thiện chí

THỨ NĂM TUẦN 16: Mt 13, 10-17



Khi muốn nói điều gì đó mang một nội dung khó hiểu, người ta thường dùng cách nói ví von, ẩn dụ, hay so sánh để cố gắng cho người nghe hiểu được cái nội dung khó hiểu kia. Chính vì mang hình thức so sánh từ hình ảnh này để diễn tả cho hình ảnh kia nên chỉ những người thật tâm muốn hiểu nội dung mà người nói đang muốn truyền đạt thì mới có thể sử dụng đầu óc và con tim để hiểu được sứ điệp muốn gửi trao qua các hình ảnh được so sánh.
Khi đi giảng dạy, Chúa Giêsu đã cố gắng dùng các dụ ngôn để nói về Mầu Nhiệm Nước Trời cho dân chúng có thể hiểu và đụng chạm được đến Nước Trời, nhưng xem ra dân chúng lại không đón nhận cách tích cực. Họ không đón nhận vì trong lòng họ không muốn, cũng như không cần thiết phải hiểu điều Chúa nói. Đối với họ cái Mầu Nhiệm được gọi là Nước trời mà Chúa đang cố gắng thông truyền đến cho họ có vẻ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, hiểu cũng được mà không hiểu cũng chẳng ăn thua gì. Chính vì thế nên họ nghe cho vui tai, cho ra vẻ là người đang lắng tai nghe thôi chứ không ra công tìm hiểu về nội dung Chúa Giêsu đang muốn truyền đạt.
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói thẳng rằng: “Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe, không hiểu”. Bởi vì họ không có thiện chí để nghe, để thấy và để hiểu, còn các tông đồ là những người có thiện chí thật sự trong việc tìm kiếm Nước Trời nên họ đã nghe, đã thấy, đã hiểu, và họ đã được mạc khải cho biết về Nước Trời.
Điều đó cho thấy, chỉ có những người có lòng thiện chí, có lòng khao khát tìm kiếm sự sống đời đời mới có thể hiểu được lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Nhờ đó, họ mới được mạc khải cho biết Mầu Nhiệm Nước Trời.
Trong cuộc sống ngày hôm nay, hết tất cả chúng ta không phải là những con người cứng lòng tin, nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta có thiện chí để tin hay không? Chúng ta có muốn để tin vào một Mầu Nhiệm nào đó hay không? Đó mới là vấn nạn quan trọng nên được đặt ra trong đời sống đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta không có thiện chí, không có lòng ao ước để tin, để tìm hiểu thì chẳng bao giờ chúng ta có thể hiểu và biết về Mầu Nhiệm Nước Trời. Từ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô cảm, dửng dưng trước Lời Chúa, và những việc đạo đức thường ngày. Đây có lẽ là điều nguy hiểm còn hơn cả những người chưa có đức tin vào Thiên Chúa. Chúng ta là những người có đức tin vào Thiên Chúa nhưng chúng ta lại vô cảm và dửng dưng trước Lời Chúa thì đó sẽ trở thành một điều tệ hại vô cùng.
Có một câu truyện tôi đã được nghe kể từ chính 1 con người đang ra công hết sức để trau dồi đức tin của mình sau khi gia nhập đạo. Người này kể rằng, trước khi cô theo đạo, mỗi lần cô đi ngang qua nhà thờ, trong lòng cô luôn có một sự cảm mến nhỏ nhoi đối với những con người đang đi lễ nhà thờ. Thế rồi cô về nhà lên internet tìm hiểu về đạo. Sau đó sự cảm mến nhỏ nhoi ban đầu của cô được dần tăng lên. CÔ bắt đầu mến yêu nhà thờ, nhưng cô vẫn chưa đi nhà thờ. CÔ này có cái chứng bệnh lạ là không thể nào đứng ngoài trời vào buổi tối quá 30 phút, nếu đứng lâu cô sẽ bị cảm lạnh và sốt cao. Thế rồi đến một thời gian sau, lòng mến của cô về nhà thờ ngày một tăng lên. Cô quyết tâm tìm cho mình một hướng đi. Bởi vì trước đây cô là người theo đạo lên đồng, cô chẳng biết gì về Chúa. Nên cô vẫn tiếp tục lên đồng để cầu xin các thần các thánh cho cô biết cô phải chọn hướng đi thế nào là đúng cho cuộc đời của mình. Sau đó cô lại vào internet để tìm hiểu cách cầu nguyện bên đạo. Cô tìm được một trang mạng nói về cách cầu nguyện. Cô bắt đầu kêu chồng cô vào và cùng quỳ xuống, dang tay ra cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”. Qua hôm sau đến ngày lễ Giáng Sinh, cô nói trong lòng mình và cũng nói với chồng rằng: “hôm nay em sẽ đi nhà thờ, em đã cầu nguyện với Giêsu rằng hãy cho em một dấu chỉ để em biết em phải theo con đường nào, em biết em đứng ngoài trời vào buổi tối về sẽ bị bệnh, nhưng em sẽ thử đứng hết buổi lễ xem về có bệnh không, đó sẽ là dấu chỉ mà Chúa Giêsu nói với em”. Thế rồi cô đi lễ vào chiều hôm đó cùng với chồng. Lạ thay cô đứng hết cả buổi lễ giữa trời đêm nhưng về nhà cô vẫn khoẻ re và còn cảm thấy khoẻ hơn trước nữa. Và cô đã nhận được dấu chỉ của Thiên Chúa. Ngay sáng hôm sau đó, cô đã vào nhà thơ gặp cha và xin học đạo. Cô học rất nhanh và mau chóng được rửa tội. kể từ đó đến giờ cô vẫn cố gắng trau đồi đức tin và tìm hiểu về giáo lý. Điều đó là cho cô ngày càng tin vào Thiên Chúa hơn cả những con người có đạo gọi là gốc.

Câu truyện còn nhiều chi tiết khác nữa, nhưng không có giờ để chia sẻ hết. Qua câu chuyện, đã cho thấy một điều rằng, chỉ cần trong lòng ta có một chút thiện chí, một chút ước muốn để tìm hiểu về Nước Trời, thì ta sẽ được Thiên Chúa cách này cách khác mạc khải cho ta biết về Mầu Nhiệm được giấu kín đó. CÓ lẽ Nước Trời lúc nào cũng ở sát bên chúng ta, nhưng quan trọng là chúng ta có thiện chí, có ước muốn để vào Nước Trời hay không. Đó sẽ là phần của chúng ta. 

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 14 Thường Niên

Hiền Lành Trong Lòng
Bài đọc 1 của ngày Chúa Nhật hôm nay biểu lộ niềm vui mừng của dân Israel khi tiên tri Dacaria nói với họ rằng: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng!” Lời đáp ca cũng là lời ca khen chúc tụng của dân Israel được trích trong sách Thánh vịnh: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Lý do để dân Israel vui mừng đã được tiên tri Dacaria nói tới: “Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ.” Dacaria loan báo Đấng Mêsia Đức Vua sẽ đến “công bố hoà bình cho muôn dân, thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”. Nhưng vị vua này không phải là vua theo quan niệm người đời. Người không phải là vị vua chiến tranh nhưng là hòa bình. Ngài là vị vua khiêm tốn không ngồi trên lưng ngựa mà ngồi trên lưng lừa con. Ngài là vị vua hiền lành không muốn giết chết mà chỉ muốn cứu sống.
Lời tiên báo của tiên tri Dacaria được chứng thực khi Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã nói về chính mình rằng: Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, hình ảnh Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem trong tiếng tung hô của dân chúng: Hoan hô con vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, càng chứng minh thêm cho lời tiên báo của tiên tri Dacaria.
Một vài phút phân tích về các bài đọc hôm nay như thế, xin mời cộng đoàn cùng suy nghĩ về hai nhân đức hiền lành và khiêm nhường của con người trong đời sống cộng đồng.
Trong tác phẩm “Kỷ luật của siêu việt”, có đoạn viết : Có người hỏi Đức Phật: Cái gì mạnh nhất và cái gì sáng tỏ nhất? Đức Phật nói: Hiền lành là mạnh nhất. Hiền lành là mạnh nhất, có nghĩa là gì ? Tác giả giải thích rằng: Bạn không thể đánh bại được người hiền lành vì người đó không có ham muốn chinh phục, bạn không thể ép buộc được người hiền lành phải là người thất bại bởi vì người đó chưa bao giờ muốn thành công cả, bạn không thể ép buộc người hiền lành phải là người nghèo, bởi vì người đó không có ham muốn là người giầu. Ở một đoạn khác, tác giả trích một câu nói của Lão Tử: “'Không ai có thể đánh bại ta bởi vì ta đã chấp nhận thất bại rồi. Bây giờ làm sao ông có thể đánh bại được người đã thất bại?”.
Xã hội ngày hôm nay, với xu hướng xuất hiện nhiều người say mê quyền lực và muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, muốn sai khiến người khác theo ý mình thì quan niệm về sự hiền lành như trên có vẻ nghịch lý. (Kính thưa cộng đoàn) Càng nghịch lý hơn nữa khi sự hiền lành trong kitô giáo được tiên tri Isaia mô tả: Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.” (Is 53,6-7) Người mà tiên tri Isaia muốn nói tới chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã đến chia sẻ kiếp người của chúng ta, Người đã đi đến mức cùng của việc tự hạ : sống chung thân phận với người nghèo khổ, như người tôi tớ rốt hết, và chấp nhận để người ta bắt trói, đánh đập, đóng đinh trên thập giá. Sự hiền lành của Đức Giêsu không phải là sự nhu nhược, dung túng cho những việc làm sai trái của con người, nhưng là sự hiền lành không muốn giết chết mà chỉ muốn cứu sống như lời tiên tri Isaia nói về Đức Giêsu: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20) hoặc như chính Đức Giêsu nói về chính mình: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)
          Kính thưa cộng đoàn.
          Là kitô hữu, chúng ta luôn được mời gọi mỗi ngày trở nên giống Đức Giêsu: Tất cả hãy đến với Ta....Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
Tâm lý tự nhiên ai cũng cho mình là người có khả năng, muốn khẳng định mình, muốn người khác tùng phục mình. Cho nên, sống hiền lành như Chúa Giêsu quả là điều khó khăn. Cho dẫu khó khăn nhưng Kitô hữu vẫn phải sống và thực hiện, không có một nếp sống nào khác cả. Hiền lành theo nghĩa của Kinh Thánh là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.
Ngày hôm nay, trở nên một con người hiền lành xem ra khó thực hiện nhưng thế giới vẫn cần có những con người hiền lành như Đức Giêsu để ngăn chặn các cuộc xung đột, chiến tranh đang diễn ra trên khắp thế giới. Sự hiền lành của Đức Giêsu rất cần thiết xuất hiện nơi mỗi thành viên trong các gia đình Công giáo để tránh tình trạng bạo hành trong gia đình. Đức tính hiền lành xem ra khó thực hiện nhưng xã hội vẫn cần những con người hiền lành dám tha thứ tất cả, loại bỏ những hiềm khích để cùng nhau xây dựng thế giới, gia đình được đầm ấm, bình an, hạnh phúc.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của sự hiền lành trong đời sống gia đình và xã hội, để chúng con biết chạy đến với Đức Giêsu như Người mời gọi: Tất cả hãy đến với Ta.... hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Amen

Nguyen ky thang 7


bài thử nghiệm