Ads 468x60px

Pages

Mẹo Hay Trị Mụn

Subscribe:

BÀI VIẾT MỚI

12 CHÒM SAO

THỜI TRANG

CHIA SẺ

KHÁM PHÁ

SỨC KHỎE

GÓC TRÁI TIM

Mẹo Làm Đẹp

Mẹo Nấu Nướng

BÀI MỚI NHẤT

XÃ HỘI

TIN ẢNH

Dịch Văn Bản

Theo dõi

NHỊP SỐNG TRẺ

TIN SHOWBIZ

LÀM ĐẸP

Blogroll

Follow us on Facebook

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Lòng Cảm Thương

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - Năm A

Is 55,1-3 ; Rm 8,35.37-39 & Mt 14,13-21





Người ta thường nói : “Con đường dài nhất là con đường đi từ con tim đến đôi tay”. Quả thực, có lòng thương cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực… của người khác là một điều đáng quý, nhưng nếu chỉ dừng lại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng, hay qua những lời nói ngoài môi miệng như : “tội nghiệp quá, đáng thương quá…”, thì chưa đủ, vì cần phải được thể hiện qua những bàn tay đỡ nâng với những ly nước khi khát, bát cơm khi đói.
Trang Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu “hoá bánh ra nhiều” để nuôi dân chúng. Thánh Matthêu cho biết : khi thấy trời đã về chiều và dân chúng mệt mỏi vì đi theo Thầy Giêsu suốt cả một ngày dài, các môn đệ cảm thương tình cảnh của họ, nên đã đến thưa với Thầy Giêsu : “Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Thế nhưng, Chúa Giêsu không những cảm thương họ như “bầy chiên bơ vơ”, Ngài còn muốn các môn đệ nhập cuộc để làm cho lòng thương cảm đó trở nên sống động khi đề nghị rằng : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”.
Thật ra, với quyền năng của một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu chỉ cần “phán một lời” là có của ăn cho mọi người. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến hình ảnh xưa kia, khi Chúa nuôi đoàn dân rong ruổi suốt 40 năm trong sa mạc bằng bánh manna và chim cút mỗi ngày ; hay gần hơn là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã hoá nước thành rượu ngon nơi tiệc cưới Cana… Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài đã không làm điều ấy lúc này.
Qua lời đề nghị : “chính anh em hãy cho họ ăn”, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy biết hãy biết tín thác và cộng tác với Ngài, để làm cho cái “lòng cảm thương” không dừng lại ở những rung động của con tim, mà phải trở nên những hành động cụ thể của đôi tay biết sẻ chia, biết cho đi. Cho dù, đối với Chúa, sự cộng tác của chúng ta chẳng đáng là gì, chỉ như “muối bỏ biển”, nhưng nếu đó là tất cả những gì chúng ta có, và chúng ta sẵn lòng cho đi không do dự, không tính toán, không vụ lợi, thì Chúa Giêsu sẽ làm cho những thứ xem ra ít ỏi của chúng ta trở nên phong phú, dư dật. Đây là điều đã được chứng minh.
Nếu dựa theo một phép tính toán thông thường của con người, “chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và hai con cá”, chắc chắn, chừng đó chẳng đủ để cho đám đông nếm thử mỗi người chút, chứ đừng nói là ăn no.
Chính vì lòng thương xót của Thiên Chúa và với sự cộng tác của con người, kết quả cho thấy : 5 chiếc bánh và hai con cá kia, khi đã được Chúa “bẻ ra” và được con người “trao cho nhau”, không những khoảng “năm ngàn đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em” được no bụng, mà  “người ta thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh còn thừa” từ chính 5 chiếc bánh và 2 con cá ấy. Điều này cho biết, những gì con người sẻ chia cho người khác sẽ không mất đi, mà trái lại, chính Chúa sẽ làm cho nó đã được nhân lên gấp bội.
Thế nhưng, khi nhìn vào trong đời sống nhân loại hôm nay, bên cạnh những “đại gia”, dư thừa của của ăn, của để, thì cũng còn quá nhiều người người bất hạnh, thiếu thốn cả những gì tối thiểu cho cuộc sống. Theo báo cáo của OXFAM - một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo : tổng tài sản của 85 người giàu nhất thế giới vào khoảng 1.000 tỷ Mỹ kim, tương đương với tổng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới, tức một nửa dân số toàn cầu. Còn theo tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, trong giai đoạn 2011-2013, dù đã giảm được 17%, nhưng thế giới vẫn còn khoảng 842 triệu người đói nghèo cùng cực và khoảng 25 ngàn người chết vì đói, vì khát mỗi ngày.
Đối diện với thực tế này, không ít người đã kêu trách Chúa : Tại sao Chúa không phân phối tài nguyên đồng đều giữa các nước giàu và các nước nghèo ; giữa những người giàu “nứt đố đổ vách” và những nghèo “rớt mồng tơi”.
Thật ra, không phải Thiên Chúa không phân chia đồng đều, cũng chẳng phải Ngài “thiên tư tây vị” đối với bất cứ ai. Bởi vì khi tác tạo nên thế giới này, Thiên Chúa đã trao cho con người thay mặt Ngài để chăm sóc và quản lý muôn loài. Và Ngài cũng luôn mời gọi con người cộng tác với Ngài để làm cho thế giới này tươi hơn, đẹp hơn khi mọi người sống trong tình liên đới, cùng chia sẻ cho nhau những ân huệ Chúa ban là tài nguyên, là sản vật.
Do đó, nếu ai nghĩ rằng tất cả những gì tôi đổ mồ hôi sôi nước làm ra “là của tôi”, để rồi tùy tiện phung phí hoặc dửng dưng trước sự đói khổ của những người xung quanh, thì người đó sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa như chính Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh : “ai cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”, hay như Đức Giáo hoàng  Phanxicô đã tuyên bố một cách dứt khoát: “của cải để lãng phí là của cải ăn cắp của người nghèo”.
Thiết nghĩ, Lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi xưa : “chính anh em hãy cho họ ăn” vẫn luôn là lệnh truyền cho người môn đệ của Ngài mọi thời. Bởi như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ trước khi về trời : người nghèo, người đói, người khát thì “anh em luôn có bên cạnh”.
Vì vậy, kitô hữu chúng ta hôm nay, những con người không những phải có “lòng cảm thương” trước những mảnh đời đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói khát, mà còn biết tìm mọi cách trong hoàn cảnh và trong khả năng của mình, để nhờ Chúa và cùng với Chúa, chúng ta trở nên những cánh tay có thể xoa dịu và nâng đỡ họ trong những lúc cần thiết. Làm được như thế là chúng ta đang trở nên giống Thầy Giêsu, Đấng đã “bẻ” chính cuộc đời của Ngài để trở nên tấm thơm ngon cho nhân loại “được sống và sống dồi dào”
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta, những người đã và đang cùng chia sẻ với nhau Tấm Bánh Giêsu, luôn ý thức sứ mạng của mình là chứng nhân cho Tin mừng yêu thương của Chúa. Ngõ hầu, chúng ta dám mở lòng mình ra với mọi người trong tình liên đới, dám chia sẻ như Thầy Giêsu đã từng nhắc nhớ : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét