Ads 468x60px

Pages

Mẹo Hay Trị Mụn

Subscribe:

BÀI VIẾT MỚI

12 CHÒM SAO

THỜI TRANG

CHIA SẺ

KHÁM PHÁ

SỨC KHỎE

GÓC TRÁI TIM

Mẹo Làm Đẹp

Mẹo Nấu Nướng

BÀI MỚI NHẤT

XÃ HỘI

TIN ẢNH

Dịch Văn Bản

Theo dõi

NHỊP SỐNG TRẺ

TIN SHOWBIZ

LÀM ĐẸP

Blogroll

Follow us on Facebook

Featured Posts

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Con phải tha thứ bao nhiêu lần?


“Con phải tha thứ bao nhiêu lần” (Mt 18,21)


Giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay dạy chúng ta phải tha thứ đến vô tận. Có một điều khá gay go, là nếu  chúng ta không thể tha thứ thì sao? Cái gì sẽ xảy ra, khi chúng ta muốn tha thứ, nhưng kẻ xúc phạm đến chúng ta lại không hối lỗi và không chịu đền bù thiệt hại.  Có những khi, ví dụ trong trường hợp bạo hành xảy ra nơi gia đình, sự tha thứ còn là cớ giống như đổ thêm dầu vào lửa, sẽ phản tác dụng và không đem lại sự hòa giải và an bình  thật sự. Tiến trình thực hiện việc tha thứ và hòa giải quả khá gian nan, và chúng ta không thể giản lược trong một vài chiêu thức giản đơn.
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, tiếp nối với đoạn Tin mừng của tuần trước, trong đó Chúa Giêsu vạch dẫn một lộ trình khởi đầu cho việc hòa giải, khi có những xúc phạm xảy ra trong cộng đoàn. Lộ trình này bắt đầu bằng việc cá nhân đến gặp gỡ cá nhân, rối tiếp theo là có thêm những trung gian, và bước cuối cùng là có sự tham gia của cả cộng đoàn. Đứng trước những chỉ  huấn  này,  Phêrô đã hỏi tiếp Đức Giêsu, thế ông phải phải tha thứ bao nhiêu lần. Ông thấy ngay những khó khăn và trở ngại khi thực hiện tiến trình hòa giải như thế. Để trả lời, Chúa Giêesu đã khẳng định, việc tha thứ phải thực hiện một cách  tận, không có một giới hạn nào cả. Có những sự việc gây nên nỗi đau triền miên và dai dẳng, vì thế cũng cần phải biết tha thứ vô giới hạn, đồng thời người phạm lỗi cũng cần phải  hối lỗi một cách chânthực. Chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện công việc đầy khó khăn này, để hóa giải những tan vỡ, và thực hiện việc giao hòa với nhau.
Trong dụ ngôn tiếp theo về người đầy tớ mắc nợ một số tiền lớn đã được nhà vua tha cho, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến món nợ khổng lồ như một gánh nặng. Món nợ đó biểu trưng cho những khó khăn trong việc hòa giải, và nó đã được cất đi khỏi tên đầy tớ. Điều này,Chúa cũng kêu mời chúng ta ý thức rằng: Sự hòa giải ở đây là một quà tặng được trao ban một cách nhưng không. Khi đón nhận món quà này, không phải do công lao của mình, chúng ta cũng phải ban trao lại một cách nhưng không giống như vậy. Tên đầy tớ không thể trả món nợ cho nhà vua, nhưng anh ta có thể sao chép lại cách thức mà nhà vua đã đối xử với anh ta, bằng cách cũng tha cho kẻ mắc nợ mình.Tuy nhiên anh ta đã không hành xử như thế. Anh ta  làm ngược lại. Thế rồi nhà vua tức giận, đổi thay tình thế, rút lại sự tha thứ đã ban bố trước đây. Điều làm chúng ta cảm thấy chới với, đó là Thiên Chúa sẽ hành xử giống  như  thế. Ngài sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài nếu như chúng ta không muốn thứ tha một cách sâu xa tận đáy lòng. Câu nói này của Chúa Giêsu gợi nhắc đến lời kinh Lạy Cha mà chính Ngài đã dạy các môn đệ cầu nguyện “Xin tha nợ  chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con (Mt 6,12).  Lời kinh đó đi kèm theo lời khuyến cáo: Chúng ta chỉ được tha thứ khi chúng ta biết thứ tha cho nhau (Mt 6, 14-15).
Điểm nhấn ở đây, không phải là Thiên Chúa lật lọng, đổi thay thái độ, rút lại sự tha thứ đã trao ban, khi chúng ta không hành xử giống như Ngài đã nêu gương. Cũng không phải Thiên Chúa sẽ làm phương hại đến chúng ta, khi chúng ta không tuân theo lối bước của Ngài. Dụ ngôn chỉ muốn khuyến cáo  một cách khá cứng rắn để con tim chúng ta đừng trở nên xơ cứng khi không có lòng bao dung  và phải luôn biết sẵn lòng tha thứ cho nhau. Một tâm hồn chai lỳ trong hận thù, dễ làm cho bạo lực tái bùng phát và tiếp diễn. Dụ ngôn chỉ muốn diễn tả một cách thái mà chúng ta phải chọn lựa để làm sao sự tha thứ luôn được chúng ta tâm đắc và thực hành. Chúng ta phải nỗ lực thứ tha, và cầu nguyện để tâm hồn chúng ta luôn biết trải rộng, sẵn lòng  tha thứ cả khi việc thứ tha này chưa thực hiện được. Chúng ta khẩn cầu để xin Chúa giúp chúng ta  biết mở toang cõi lòng hầu có thể nếm  cảm  lòng thương xót dịu dàng của Chúa đổ tràn trên chúng ta, giúp chúng ta cũng dễ dàng dàn trải lòng thương xót và sự đồng cảm giống như thế đến cho mọi người. Không cái gì có thể cất khỏi sự tha thứ của Chúa nơi chúng ta. Tuy nhiên,trong cách  xử thường ngày, nhiều động thái chúng ta thực hiện làm cản che  hiệu quả của lòng thương xót đó đang tuôn đổ xuống trên mỗi người chúng ta.

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

“Nước Trời không có chỗ cho những người coi đồng tiền là ông chủ và sống ích kỷ”

Thứ 2 Tuần XX - Thường Niên A

“Nước Trời không có chỗ cho những người coi đồng tiền là ông chủ và sống ích kỷ”

Thưa anh chị em,
Bối cảnh của trang Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện anh thanh niên đến gặp Đức Giêsu xin chỉ dẫn để tiến đến con đường trọn lành, tiến đến sự sống hạnh phúc thật: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Điều này cho thấy anh ta rất muốn và ao ước để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Chính vì thế, Đức Giêsu đã khai mở cho anh cách làm sao để đạt được niềm ao ước đó: Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Nhưng thật buồn, người thanh niên này đã lặng lẽ rút lui chỉ vì anh ta có nhiều tiền của.
Người ta thường nói: “có tiền mua tiên cũng được”. Quả thật đồng tiền có sức mạnh chi phối rất lớn trong xã hội và cuộc sống của con người. Người ta có thể từ bỏ nhiều thứ, nhưng đứng trước sức mạnh của đồng tiền con người ta thương ít khi thắng được sức cám dỗ của nó. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi vì vẫn có câu nói rằng: “có thực mới vực được đạo” - Không có cái ăn thì sức đâu mà đi nhà thờ, đi đọc kinh, đi cầu nguyện. Thế đó, người ta thướng lý luận theo kiểu đó với nhau khi bàn đến vần đề của cuộc sống. Có thể nói rằng, đi tìm miếng cơm manh áo cho cuộc sống của một đời người là một vấn đề then chốt và hàng đầu của mỗi con người. Từ sáng sớm, mở mắt dậy là chúng ta đã phải chuẩn bị cho một ngày làm việc để kiếm cho mình, cho gia đình cái “”NO”” của cuộc sống. Không chỉ người giàu hay người nghèo, hay người thiểu nông, hay tầng lớp thượng lưu, mà tất cả mọi người còn sống trên mặt đất này thì chúng ta còn phải chạy những bước dài để tìm kiếm miếng cơm manh áo cho chính mình, cho gia đình của mình.
Có thể nói rằng ai ai trên thế giới này cũng vật lộn để kiếm tiền. Từ tỷ phú Bill Gates cho tới anh ăn mày nơi góc phố. Số tiền kiếm được thì khác nhau, một bên kiếm hàng tỉ đô la, một bên kiếm từng năm trăm Việt Nam đồng lẻ. Thế nhưng vẫn là TIỀN.
Bạn học giỏi, bạn học dốt thì rồi cũng sẽ đi kiếm tiền. Bạn có tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi cũng phải đi kiếm tiền. Mọi chuyện cứ diễn ra như thế! Mọi chuyện lại sẽ tiếp tục diễn ra như thế. Chúng ta làm gì, chúng ta là ai, chúng ta suy nghĩ gì, chúng ta toan tính gì, chúng ta ở địa vị gì thì cũng lòng vòng quanh chữ TIỀN. Thậm chí chúng ta có ẩn cư trên núi không bóng người thì tiền cũng leo lên đeo bám chúng ta.
Thưa anh chị em, nói ra những điều này không phải là để đề cao đồng tiền, nhưng muốn cho thấy rằng sức mạnh của đồng tiền trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, chi phối cả ước muốn của chúng ta. Thế nên có câu nói rằng: “tiền không thể mua được những thứ quý nhất của cuộc đời, nhưng không có đồng tiền thì cũng khó để có thể có được những thứ của cuộc đời” ; hay “Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì không có tất cả!”.
Thật vậy, đồng tiền liền với khúc ruột. Đồng tiền gắn liền với cuộc sống. Đồng tiền đôi khi trở thành ông chủ tồi. Và như thế, nó đã là rào cản số một cho những ai muốn tiến xa, tiến sâu trên con đường nhân đức.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dùng của cải như là phương tiện để xây dựng tình bác ái huynh đệ và cùng nhau xây dựng Nước Trời. Bởi vì Nước Trời là kho tàng, đồng tiền chỉ là thứ trợ giúp để ta mua được kho tàng chứ nó không phải kho tàng.
Vì thế, nếu chúng ta cứ bám vào của cải vật chất quá đáng, trái tim của chúng ta sẽ bị kìm chặt nơi thế gian. Của cải thế gian sẽ đóng kín cánh cửa tâm hồn, chúng ta trở thành nô lệ của nó. Như vậy, Chúa không còn chỗ nào trong trái tim, lương tâm và cõi lòng của chúng ta, và, như một lẽ tất yếu: Nước Trời không có chỗ cho những người coi đồng tiền là ông chủ và sống ích kỷ.

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Lòng Cảm Thương

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - Năm A

Is 55,1-3 ; Rm 8,35.37-39 & Mt 14,13-21





Người ta thường nói : “Con đường dài nhất là con đường đi từ con tim đến đôi tay”. Quả thực, có lòng thương cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực… của người khác là một điều đáng quý, nhưng nếu chỉ dừng lại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng, hay qua những lời nói ngoài môi miệng như : “tội nghiệp quá, đáng thương quá…”, thì chưa đủ, vì cần phải được thể hiện qua những bàn tay đỡ nâng với những ly nước khi khát, bát cơm khi đói.
Trang Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu “hoá bánh ra nhiều” để nuôi dân chúng. Thánh Matthêu cho biết : khi thấy trời đã về chiều và dân chúng mệt mỏi vì đi theo Thầy Giêsu suốt cả một ngày dài, các môn đệ cảm thương tình cảnh của họ, nên đã đến thưa với Thầy Giêsu : “Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Thế nhưng, Chúa Giêsu không những cảm thương họ như “bầy chiên bơ vơ”, Ngài còn muốn các môn đệ nhập cuộc để làm cho lòng thương cảm đó trở nên sống động khi đề nghị rằng : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”.
Thật ra, với quyền năng của một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu chỉ cần “phán một lời” là có của ăn cho mọi người. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến hình ảnh xưa kia, khi Chúa nuôi đoàn dân rong ruổi suốt 40 năm trong sa mạc bằng bánh manna và chim cút mỗi ngày ; hay gần hơn là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã hoá nước thành rượu ngon nơi tiệc cưới Cana… Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài đã không làm điều ấy lúc này.
Qua lời đề nghị : “chính anh em hãy cho họ ăn”, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy biết hãy biết tín thác và cộng tác với Ngài, để làm cho cái “lòng cảm thương” không dừng lại ở những rung động của con tim, mà phải trở nên những hành động cụ thể của đôi tay biết sẻ chia, biết cho đi. Cho dù, đối với Chúa, sự cộng tác của chúng ta chẳng đáng là gì, chỉ như “muối bỏ biển”, nhưng nếu đó là tất cả những gì chúng ta có, và chúng ta sẵn lòng cho đi không do dự, không tính toán, không vụ lợi, thì Chúa Giêsu sẽ làm cho những thứ xem ra ít ỏi của chúng ta trở nên phong phú, dư dật. Đây là điều đã được chứng minh.
Nếu dựa theo một phép tính toán thông thường của con người, “chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và hai con cá”, chắc chắn, chừng đó chẳng đủ để cho đám đông nếm thử mỗi người chút, chứ đừng nói là ăn no.
Chính vì lòng thương xót của Thiên Chúa và với sự cộng tác của con người, kết quả cho thấy : 5 chiếc bánh và hai con cá kia, khi đã được Chúa “bẻ ra” và được con người “trao cho nhau”, không những khoảng “năm ngàn đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em” được no bụng, mà  “người ta thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh còn thừa” từ chính 5 chiếc bánh và 2 con cá ấy. Điều này cho biết, những gì con người sẻ chia cho người khác sẽ không mất đi, mà trái lại, chính Chúa sẽ làm cho nó đã được nhân lên gấp bội.
Thế nhưng, khi nhìn vào trong đời sống nhân loại hôm nay, bên cạnh những “đại gia”, dư thừa của của ăn, của để, thì cũng còn quá nhiều người người bất hạnh, thiếu thốn cả những gì tối thiểu cho cuộc sống. Theo báo cáo của OXFAM - một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo : tổng tài sản của 85 người giàu nhất thế giới vào khoảng 1.000 tỷ Mỹ kim, tương đương với tổng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới, tức một nửa dân số toàn cầu. Còn theo tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, trong giai đoạn 2011-2013, dù đã giảm được 17%, nhưng thế giới vẫn còn khoảng 842 triệu người đói nghèo cùng cực và khoảng 25 ngàn người chết vì đói, vì khát mỗi ngày.
Đối diện với thực tế này, không ít người đã kêu trách Chúa : Tại sao Chúa không phân phối tài nguyên đồng đều giữa các nước giàu và các nước nghèo ; giữa những người giàu “nứt đố đổ vách” và những nghèo “rớt mồng tơi”.
Thật ra, không phải Thiên Chúa không phân chia đồng đều, cũng chẳng phải Ngài “thiên tư tây vị” đối với bất cứ ai. Bởi vì khi tác tạo nên thế giới này, Thiên Chúa đã trao cho con người thay mặt Ngài để chăm sóc và quản lý muôn loài. Và Ngài cũng luôn mời gọi con người cộng tác với Ngài để làm cho thế giới này tươi hơn, đẹp hơn khi mọi người sống trong tình liên đới, cùng chia sẻ cho nhau những ân huệ Chúa ban là tài nguyên, là sản vật.
Do đó, nếu ai nghĩ rằng tất cả những gì tôi đổ mồ hôi sôi nước làm ra “là của tôi”, để rồi tùy tiện phung phí hoặc dửng dưng trước sự đói khổ của những người xung quanh, thì người đó sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa như chính Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh : “ai cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”, hay như Đức Giáo hoàng  Phanxicô đã tuyên bố một cách dứt khoát: “của cải để lãng phí là của cải ăn cắp của người nghèo”.
Thiết nghĩ, Lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi xưa : “chính anh em hãy cho họ ăn” vẫn luôn là lệnh truyền cho người môn đệ của Ngài mọi thời. Bởi như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ trước khi về trời : người nghèo, người đói, người khát thì “anh em luôn có bên cạnh”.
Vì vậy, kitô hữu chúng ta hôm nay, những con người không những phải có “lòng cảm thương” trước những mảnh đời đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói khát, mà còn biết tìm mọi cách trong hoàn cảnh và trong khả năng của mình, để nhờ Chúa và cùng với Chúa, chúng ta trở nên những cánh tay có thể xoa dịu và nâng đỡ họ trong những lúc cần thiết. Làm được như thế là chúng ta đang trở nên giống Thầy Giêsu, Đấng đã “bẻ” chính cuộc đời của Ngài để trở nên tấm thơm ngon cho nhân loại “được sống và sống dồi dào”
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta, những người đã và đang cùng chia sẻ với nhau Tấm Bánh Giêsu, luôn ý thức sứ mạng của mình là chứng nhân cho Tin mừng yêu thương của Chúa. Ngõ hầu, chúng ta dám mở lòng mình ra với mọi người trong tình liên đới, dám chia sẻ như Thầy Giêsu đã từng nhắc nhớ : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Maria và Matta

MARIA VÀ MATTA




Cộng đoàn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Thánh Matta, là một vị thánh khá nổi bật trong hành trình dương thế của Chúa Giêsu. Đọc qua trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có 3 nhân vật chính là Chúa Giêsu, Matta và Maria. Và qua cuộc đối thoại của 3 nhân vật này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua rằng Maria và Matta như là 2 nhân vật đối lập nhau. Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa với 2 chị em, Matta thì lo toan chạy đầu này đầu kia, lo chuyện này chuyện kia, con Maria thì chỉ ngồi bên chân Chúa mà thôi. Lẽ thường tình thì chúng ta sẽ bảo rằng Maria lười, chỉ để cho Matta làm còn mình thì ngôi chơi với khách quý. Thế nhưng trong câu truyện Tin Mừng, Chúa Giêsu lại có vẻ như trách mắng Matta: “Matta ! Matta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
Có vẻ như Chúa cũng đồng tình với cách thể hiện của Maria, mà trách mắng Matta. Đó là cách nhìn của ta ở trong chiều kích đời sống xã hội.
Và khi ta nhìn ở chiều kích đời sống đạo thì cũng cảm thấy 2 con người này vẫn ở hai khía cạnh khác nhau. Maria tượng trưng cho con người cầu nguyện. Còn Matta tượng trưng cho mẫu người hoạt động thiếu đời sống nội tâm.
Nhưng nếu chúng ta nhớ lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Matta trong câu chuyện La-da-rô được sống lại, thì chúng ta sẽ thấy thánh nữ Matta phải là một con người cầu nguyện thì mới có thể nhận ra được nguồn gốc thật sự của Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Còn nói về tình yêu thì thánh nữ Matta chắc chắn cũng yêu mến Chúa Giêsu không kém Maria, chỉ có điều cách thể hiện tình yêu của hai người có khác. Maria có một tình yêu dịu dàng, ấm áp khi ngồi bên chân Chúa lắng nghe Ngài nói, khi lấy dầu thơm xức chân Chúa. Còn Matta thể hiện một tình yêu nồng nhiệt khi cố gắng tạo cho Chúa Giêsu được vui vẻ, thư giản qua sự tươm tất của ngôi nhà, qua việc thưởng thức các món ăn ngon...
Ở đây, trong cộng đoàn của chúng ta, nếu ai đã từng yêu thì có lẽ sẽ hiểu. Khi yêu một ai đó thật sự thì ta chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho người đó. Tuy nhiên ở cách hành động thì lại khác nhau. Có những người thích một người yêu mang tích cách mạnh mẽ, có người thích người yêu của mình phải dịu dàng. Có người thể hiện tình yêu một cách mạnh mẽ, cá tính, có người thể hiện tình yêu một cách êm đềm, dịu dàng…
Thưa anh chị em, nói ra những điều này không phải là để biện hộ cho Matta hay nâng cao Maria. Nhưng chỉ muốn minh chứng rằng: cho dù ở cách thể hiện và hành động khác nhau, nhưng quan trọng là mục đích của cách thể hiện đó, mục đích của hành động đó có dẫn ta đến việc nhận biết Thiên Chúa hay không và có làm vinh danh Chúa hay không?
Và như thế, trong đời sống của chúng ta, mỗi người là một nhân vị, cá thể khác nhau, lối sống khác nhau. Nhưng mỗi người đều có một vị thế và giá trị khác nhau để dệt nên một vườn hoà đẹp. Mỗi người đều là những tế bào góp phần làm vinh danh Thiên Chúa.
Ước mong rằng mỗi người chúng ta luôn sống vui tươi trong phận vụ của mình, trong lời mời gọi mà Chúa đặt để cho mỗi người khi bắt đầu cuộc hành trình dương thế.


Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Khám phá ra Nước Trời là niềm vui

Khám phá ra Nước Trời là niềm vui


Thưa anh chị em thân mến,
Những ngày vừa qua chúng ta liên tục được nghe các dụ ngôn nói về Nước trời, chẳng hạn như dụ ngôn người đi gieo giống. Còn hôm nay chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng với 3 dụ ngôn nói về Nước Trời. Dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc quý là một trong những dụ ngôn Đức Giêsu dùng để diễn tả về Nước Trời cho dân chúng hiểu, còn dụ ngôn về chiếc lưới là kết quả của những con người biết nhận ra giá trị của Nước Trời nên sẽ được chọn vào ngày sau hết.
Qua những dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ kho tàng trong thửa ruộng chính là nước trời, còn Đức Giêsu chính là viên ngọc quý.
Trong Tin Mừng cho chúng ta thấy được hình ảnh một người tìm ra kho tàng được chôn giấu trong thửa ruộng, rồi anh ta VUI MỪNG quay về nhà bán hết tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng. Tin Mừng cũng đưa ra một hình ảnh khác, là có một người lái buôn tìm ra viên ngọc quý và anh ta cũng VUI MỪNG quay về nhà bán mọi của cải mà anh có để mua cho được viên ngọc quý đó.
Qua 2 hình ảnh này chúng ta thấy 2 đặc điểm khá thú vị nhưng rất giống nhau trong hành động của 2 người lái buôn kia. Cả 2 cùng VUI MỪNG vì khám phá của mình là kho tàng và viên ngọc quý, và sau đó đã TỰ NGUYỆN quay về nhà bán hết tất cả những gì mình có để mua cho được cái khám phá của mình là kho tàng và viên ngọc quý.
Điều này cho thấy người lái buôn này nhận ra được giá trị của kho tàng trong thửa ruộng, nhận ra được giá trị của viên ngọc quý. Điều này hoàn toàn logic thôi, vì nếu người lái buôn này không nhận ra giá trị đích thực và tuyệt vời của viên ngọc hay kho tàng kia thì anh không bao giờ vui mừng, hân hoan mà bán đi hết mọi thứ để mua cho được cái thửa ruộng có kho tàng hay mua cho được viên ngọc quý kia. Bởi vì, anh ta đã thấy được một cái mối lợi ở đằng trước to lớn gấp trăm ngàn lần so với những gì anh ta đang có. Chính vì thế nên anh ta sẵn sàng bán đi tất cả để chiếm hữu cho được cái mối lợi kia, và thậm chí nếu như đã bán hết tất cả mọi thứ mà vẫn chưa đủ tiền mua, tôi nghĩ anh ta cũng chạy đi mượn người này người kia chút ít để đủ tiền mua cho được.
Điều đó dễ hiểu thôi, ví dụ như một ngày nào đó ta đi ra ngoài đường và bắt gặp một bảng thông báo rằng bán xe ôtô Audi, giảm 98%. Chúng ta sẽ nghĩ sao về điều này? Tôi dám chắc là tất cả mọi người đều chạy về nhà bán ngay chiếc xe honđa cùi bắp ở nhà đi để tậu chiếc 4 chỗ Audi kia ngay. Bởi vì mọi người đều thấy được cái mối lợi kia nó lớn gấp trăm lần cái xe honđa cùi bắp ở nhà. Dại gì mà không đổi! Điều này thật quá dễ dàng đối với chúng ta.
Và như thế, Tin Mừng đưa ra hình ảnh người lái buôn kia cũng dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, đó là những hình ảnh thực tế, những hình ảnh hữu hình có thể cảm nhận được. Nhưng cái khó ở chỗ, Nước Trời được ví như kho tàng, là giá trị tuyệt đối nhưng mà ta chỉ nhận thức được bằng đức tin thôi, mà đã gọi là nhận thức được bằng đức tin thôi thì nó chỉ mờ mờ, còn những cái thực tại hữu hình khác của thế gian thì nó lại đưa ra trước mắt, nó cứ hiện lên lù lù trước mắt ta.
Giá mà Nước Trời cũng dễ nhận biết như những thực tại trần gian thì có lẽ ai cũng sở hữu được Nước Trời hết, vì tất cả chúng ta ngồi nơi đây đều có đủ tài sản mà không phải thế chấp hay đi mượn để mua được Nước Trời. Tài sản của chúng ta chính là ngay lúc chúng ta sinh ra chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, rồi sau đó là Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Thánh Thể… đó là những của cải tuyệt vời để chúng ta có thể vào Nước Trời. Thế nhưng, Nước Trời lại không thể nhìn bằng con mắt trần gian mà chỉ có thể nhìn bằng con mắt đức tin. Thế nên, nó lại trở nên khó khăn cho chúng ta. Trong Tin Mừng, người lái buôn vui mừng, hân hoan vì nhận ra kho tàng là Nước Trời, còn chúng ta, chúng ta có thể nhận ra kho tàng là Nước Trời hay không? chỉ khi nào chúng ta nhận ra kho tàng là Nước Trời, nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước Trời thì chúng ta mới có thể vui mừng hân hoan đánh đổi tất cả để có thể sở hữu được điều mong ước của chúng ta là Nước Trời.
Như vậy, để có thể vui mừng hân hoan bán đi tất cả vì Nước Trời thì trước tiên chúng ta phải làm sao nhận ra được giá trị tuyệt đối của Nước Trời. Chúng ta phải làm sao?
Thưa, để có thể nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước Trời thì phải thông qua việc cầu nguyện và khám phá. Nước Trời không phải là trái Sung rụng từ trên trời xuống miệng của chúng ta. Chúng ta muốn thì chúng ta phải đứng lên, vươn tay ra mà hái. Để nhận ra giá trị của Nước Trời mỗi người chúng ta phải đứng lên và bước tới để ra công khám phá thì mới có thể nhận ra những dấu hiệu của Nước Trời. Tuy nhiên, khi đứng lên, vươn tay ra khám phá kho tàng là Nước Trời thì không phải ai cũng có khả năng nhận biết được Nước Trời. Để có thể nhận biết được Nước trời thì cũng cần phải có kiến thức. Chẳng hạn, để có thể thưởng thức một bài nhạc giao hưởng, không phải ai cũng có khả năng và sự hiểu biết để thưởng thức. Chúng ta phải có kiến thức về âm nhạc, về thể loại nhạc thì mới có thể thưởng thức và cảm nhận được giá trị của nó, nếu không thì chỉ là như vịt nghe sấm. Nước Trời cũng thế, cũng đòi hỏi phải có kiến thức. Kiến thức ở đây chính là việc học hỏi giáo lý, kinh thánh và tham dự Thánh Lễ để trau dồi đức tin. Đó chính là những kiến thức để có thể nhận ra giá trị tuyệt đối của Nước trời.
Như vậy, để có thể được chọn lựa vào ngày sau hết thì trước tiên ta phải trau dồi kiến thức để có thể nhận ra Nước Trời, rồi từ đó ta mới có thể vui mừng hân hoan bán đi tất cả để đổi lấy kho tàng được chôn giấu chính là Nước Trời.

Nước Trời và Thế Gian

Đối Diện Với Thực Tế Đời Người Trước Sứ Điệp Tin Mừng Của Chúa Giêsu



Trong Tin Mừng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tất cả hãy vì Nước Trời là gia nghiệp, còn thế gian mời gọi điều gì? Nước Trời và thế gian là 2 yếu tố gắn chặt trong cuộc đời của người Kitô hữu. Đứng trước 2 yếu tố này, là phận con người chúng ta phải làm sao?
Người ta thường biện hộ rằng, không có tiền, có gạo thì cạp đất mà ăn. Rõ ràng khi sinh ra và lớn lên con người đã có một nhu cầu. Nhu cầu đó chính là: cơm, áo, gạo tiền, và những phương tiện phục vụ cho nhu cầu đời sống. Vì tất cả những điều đó mà con người có thể dám làm mọi sự để có được những thứ ấy. Đây có thể được coi là tất yếu của cuộc sống. Là người chúng ta cũng rất cần những thứ ấy. Chúng ta cũng rất cần tìm cho mình những phương tiện thiết thực ấy. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mang thân phận là con người mà còn mang trên mình danh xưng Kitô Hữu, thế nên chúng ta còn có một giá trị cao hơn những danh lợi thú ấy chính là Nước Trời. Danh lợi thú rồi sẽ qua đi, nhưng Nước Trời thì tồn tại mãi mãi.
Hôm nay Chúa Giê-su ví Nước Trời như một kho tàng, như viên ngọc qúi, đến nỗi để đạt được thì mọi hy sinh, mọi của cải kể cả mạng sống cũng phải đổi lấy cho bằng được viên ngọc Nước Trời.
Viên ngọc quí là Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn truyền đến cho nhân loại đó là đích đến của mỗi người chúng ta, là cùng đích của chúng ta. Thế nhưng, liệu chúng ta có dám bán hết gia tài đi để mua viên ngọc quí đó hay không? Chúng ta có dám bán nhà, bán đất, bán tất cả mọi tài sản đi để sở hữu miếng ruộng có chôn giữ kho báu đó hay không?
Có một thực tại mà chúng ta nên biết và phải đối diện với nhau, đó là: Nước Trời thì thiêng liêng nhưng vô hình, còn thế gian thì thực tế nhưng ở ngay trước mặt. Một sự thiêng liêng mà vô hình, thế thì liệu rằng chúng ta có cảm nhận, có sờ mó được hay không. Còn thế gian là những điều thực tế mà ta có thể cảm nhận, có thể sờ mó được và đang ở ngay trước mắt. Tôi xin hỏi thật, có mấy ai trong ngôi thánh đường này có thể cảm nhận được Nước Trời một cách rõ rệt nhất mà khiến ta ngay lập tức đi bán hết của cải vật chất để về mua viên ngọc quí đó hay không? Quý cộng đoàn cứ thử tự trả lời cho chính mình xem. Còn thế gian thì sao? Thế gian là gì? Thế gian chính là những của cải - vật chất, con người - xác thịt, danh vọng - quyền lực, tình - tiền….. tất cả nằm ngay trước mắt chúng ta. Tất cả những thứ này chúng ta có cảm nhận được không, có thấy, có đụng chạm được không? Tôi dám chắc là tất cả mọi người ở đây đều có thể trả lời ngay lập tức là CÓ.
Chúng ta thấy có rất rất nhiều cái thuộc thế gian chi phối chúng ta. Điều đầu tiên chi phối chúng ta nhiều nhất chính là tiền của. Thế thì tiền là gì? Ngày hôm nay trên mạng internet có rất nhiều câu định nghĩa về tiền. Tôi lang thang trên internet có đọc được một đoạn rằng: Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của lò xo, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lận che thân, là cán cân công lý, là đồng chí thân thương, là đồng hương thân cận, là thời vận thanh xuân, là vui mừng phấn khởi....”. Và thậm chí người ta còn cho thêm một câu ở cuối nữa là: “….. vì tiền mà tôi mất người yêu”. Điều này cho thấy gì?
Ai ai trên thế giới này cũng vật lộn để kiếm tiền. Từ tỷ phú Bill Gates cho tới anh ăn mày nơi góc phố. Số tiền kiếm được thì khác nhau, một bên kiếm hàng tỉ đô la, một bên kiếm từng năm trăm Việt Nam đồng lẻ. Thế nhưng vẫn là TIỀN.
Bạn học giỏi, bạn học dốt thì rồi cũng sẽ đi kiếm tiền. Bạn có tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi cũng phải đi kiếm tiền. Mọi chuyện cứ diễn ra như thế! Mọi chuyện lại sẽ tiếp tục diễn ra như thế. Chúng ta làm gì, chúng ta là ai, chúng ta suy nghĩ gì, chúng ta toan tính gì, chúng ta ở địa vị gì thì cũng lòng vòng quanh chữ TIỀN. Thậm chí chúng ta có ẩn cư trên núi không bóng người thì tiền cũng leo lên đeo bám chúng ta.
Thưa anh chị em, nói ra những điều này không phải là đề cao đồng tiền, nhưng chỉ muốn nói ra một thực tế của cuộc sống con người đều tồn tại những thứ quý nhất của cuộc đời họ. Đối với một đời người thì đó chính là sức khỏe, thời gian, tình yêu, kiến thức,địa vị và danh vọng. Trong đó chữ Tiền chi phối khá nhiều trong cuộc đời họ. Thế nên có câu nói rằng: “tiền không thể mua được những thứ quý nhất của cuộc đời, nhưng không có đồng tiền thì cũng khó để có thể có được những thứ của cuộc đời” ; hay “Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì không có tất cả!”. Nói lên điều này cho thấy sức mạnh của đồng tiền trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, chi phối cả ước muốn của chúng ta.
Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại bảo chúng ta hãy bán hết tất cả của cải, tiền bạc đi để đổi lấy Viên ngọc quí là Nước Trời. Như đã nói ở trên, viên ngọc quí mà Chúa Giêsu nói đó chúng ta không thấy được bằng mắt thường, chúng ta không cảm nhận được. Trong khi đó thế gian là tiền tài – danh vọng  lại hiện hình ngay trước mắt chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám đánh đổi hết tất cả vì viên ngọc quí là Nước trời đó hay không?
Có một tâm sự được kể một cô gái kể rằng: “Đồng tiền quả thật quan trọng vô cùng. Ngày còn mới lớn, Tôi cứ tưởng mình là một nàng công chúa, một ngày nào đó có một hoàng tử bạch mã đánh thức Tôi dậy, rồi thì nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời.... Bây giờ thì Tôi đã thay đổi khá nhiều. Tuy rằng tiền không phải là tất cả, nhưng Tôi sẽ không thể là một nguời đàn bà hạnh phúc và mãn nguyện nếu Tôi không thể cho những đứa con của mình một điều kiện tốt để trưởng thành và phát huy; Tôi không thể vui vẻ mỗi khi đi chợ Tôi phải đắn đo, kỳ kèo mặc cả từng đồng sau khi suy nghĩ nát óc.Tối hôm nay trong bữa cơm gia đình chồng con mình sẽ ăn cá bống hay cá ót. Tôi cũng không thể không tủi thân, chạnh lòng khi nhìn những người phụ nữ khác mặt hoa da phấn, ăn diện như bà hoàng khi ra đường, còn Tôi thì đầu tắt mặt tối, quần xắn móng lợn, đi làm về là tranh thủ băm rau nấu cám.
Thưa anh chị em, đó là thực tế của đời sống, là nghịch cảnh của đời sống mà chúng ta phải đối diện và phải chấp nhận.Thế gian thì cần TIỀN, Thiên đàng lại là Nước Trời mà được Chúa Giêsu vì như viên ngọc quí. Chúng ta sẽ chọn lựa thế nào đây? Thiên Chúa không bắt chúng ta phải đói nghèo, phải khổ cực để có được Nước trời, nhưng Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải khước từ những thứ được coi là  thấp hèn. Không quá coi trọng vật chất. Khước từ tính kiêu ngạo, thích ăn trên ngồi trước. Phải sống chan hòa tình nghĩa với nhau.